Không gian công cộng và sự tham gia của người dân

Hà Nội, với những đặc điểm về mặt tự nhiên, vốn là một thành phố xanh và thân thiện với con người. Cùng với sự phát triển theo hướng công nghiệp hoá và hiện đại hoá, thành phố được xây dựng theo hướng chuyển từ thành phố-dựa-trên-con-người (people-based city) sang thành thành phố phát triển dựa trên tiêu chí nền tảng về giao thông/thành-phố-của-xe-hơi (car-based city), như một xu hướng của phần lớn các thành phố trên thế giới vào những năm 1950, 1960.  Việc là một thành phố của xe hơi cũng khiến Hà Nội gặp phải những vấn đề tương tự: ô nhiễm, tai nạn giao thông, con người bị nhiều căn bệnh xuất phát từ ít hoạt động thân thể, và đặc biệt, việc dành nhiều không gian cho đỗ xe cũng đồng nghĩa với việc làm giảm đi không gian công cộng vốn vô cùng cần thiết cho cuộc sống của con người. 

Hiện trạng hiện nay ở Hà Nội cho thấy không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp; những không gian công cộng cũ chưa được quản lý tốt, và việc mở rộng không gian công cộng mới lại chưa được quan tâm đầy đủ cùng với việc mở rộng thủ đô và xây dựng các khu đô thị mới. Một vài nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra nguyên nhân là do quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc quản lý nhà nước còn hạn chế, và thiếu sự tham gia của người dân trong cả quá trình ra quyết định.  

Tác phẩm: Xưa vậy, giờ vẫn vậy. Tác giả: Đinh Quốc Cường

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tiêu dùng, nhiều không gian công cộng vốn có, bị thâu tóm và tư hữu hoá bởi các doanh nghiệp, tập đoàn, bị thương mại hoá trở thành các không gian phải-trả-tiền, và cũng đồng thời, có tác động đến sự thay đổi của hệ giá trị của người dân. Một mặt, quan niệm về chất lượng sống của một bộ phận lớn người dân hướng đến sự tiện nghi, hiện đại, đến hàng hoá, vì vậy các căn hộ chung cư hiện đại có giá đắt gấp nhiều lần những ngôi nhà mặt đất trong ngõ, hẻm. Mặt khác, xu hướng đó cho thấy một khao khát của người dân có được những không gian “công cộng” nhất định, khi họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để được sống trong những khu đô thị mới và toà nhà cao cấp- dù đó là các không gian của những đại siêu thị, hay vườn tiểu cảnh ít ỏi trên nóc toà nhà cao tầng. Như một người dân đã tâm sự, “vì Hà Nội quá ngột ngạt, đường phố, vỉa hè, ngõ xóm đã không còn là không gian công cộng đúng nghĩa, mà người ta phải tìm đến các không gian mang dáng vẻ công cộng do tư nhân tự tạo”. 

Tuy nhiên, mặc dù phần đông cảm thấy chán nản và bi quan về việc thiếu đi các không gian công cộng để sinh hoạt, nhưng khá ít người tỏ ra quan tâm đến việc lên tiếng vì không gian sống của mình. Có nhiều lý do cho sự im lặng này. Thứ nhất, người dân chịu ảnh hưởng của diễn ngôn về xã hội hiện đại gắn với sự phát triển của hàng hoá và tiêu dùng nên phần đông chưa gắn chất lượng sống với sự cần thiết phải có và bảo tồn không gian công cộng. Thứ hai, từ trong truyền thống, đối với người dân Hà Nội, ý niệm về công và tư, công cộng và riêng tư, khá mơ hồ và lẫn lộn. Những không gian công cộng “phi chính thức” quan trọng hơn đối với cuộc sống của họ, và khi cần không gian công cũng có thể trở thành không gian tư, nên ý niệm về tầm quan trọng của không gian công cộng không thực sự rạch ròi. Thứ ba, thiếu những chính sách đảm bảo cho sự tham gia của người dân trong việc quy hoạch và ra quyết định đối với không gian công cộng. Thứ tư, sự mất niềm tin vào hệ thống chính quyền tham nhũng khiến cho việc tư nhân hoá các không gian công cộng trở nên phổ biến, cũng như không có niềm tin rằng tiếng nói của người dân sẽ được lắng nghe. Vì thế số đông dân chúng chọn cách phàn nàn về thực tại hơn là thực hành “quyền đối với thành phố” của mỗi công dân, nếu như những chính sách của thành phố không đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân họ. 

Tác phẩm: Bước nhảy khai xuân
Tác giả: Hằng Ross

“Quyền đối với thành phố” – như một lời kêu gọi trả lại thành phố cho người dân, trong bối cảnh sự lũng đoạn của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng đặt ra nhiều thách thức cho môi trường đô thị trên khắp thế giới – có thể là một khởi đầu hứa hẹn cho sự tham gia của người dân Hà Nội. Đây đó đã có nhiều tổ chức, xuất phát từ sự trăn trở của một số người dân và các nhà quy hoạch, kiến trúc sư yêu Hà Nội, quan tâm và nỗ lực duy trì và sản tạo các không gian công cộng mới cho Hà Nội, từ việc biến các không gian công cộng vốn bị bỏ quên thành những không gian lấp lánh tính nghệ thuật với các con phố bích hoạ, biến các bãi rác thành các không gian sáng tạo, hay định danh tính công cộng cho một số không gian dân cư bằng cách lắp đặt các trò chơi miễn phí cho trẻ em… Thực tế cho thấy, với sự hậu thuẫn của truyền thông và mạng xã hội, người Hà Nội cũng có thể lên tiếng và xuống đường khi những gì gắn chặt với ký ức của họ bị phá vỡ. Bên cạnh đó, các dự án bảo vệ môi trường, cây xanh, hồ nước, công viên cho Hà Nội, các dự án bảo tồn di sản..vv đều cho thấy tinh thần “quyền đối với thành phố” đã được đánh thức, và là những đốm sáng cho việc khuấy lên tinh thần công dân của mỗi người Hà Nội. Sự tham gia của người dân là điều kiện cần để Hà Nội – như một sản phẩm nghệ thuật tập thể – lưu giữ được linh hồn và dấu ấn của nó.

Để hiểu hơn về chủ đề này mời các bạn đọc báo cáo “Quyền đối với thành phố: không gia công cộng và sự tham gia của người dân”. Để tham gia và đóng góp cho một Hà Nội đáng sống, mời các bạn liên hệ với chúng tôi qua email: vimothanoidangsong@gmail.com 

Leave a Comment