Lối sống và ung thư

Buổi chia sẻ về ung thư và lối sống cùng bác sĩ Nguyễn Văn Tùng diễn ra vào ngày 28 tháng 7 năm 2019 với sự tham gia của hơn 50 người là những dân quan tâm đến lối sống khỏe mạnh, cách phòng và điều trị bệnh ung thư. Đặc biệt, nhiều người tham dự là bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư, người nhà bệnh nhân ung thư và những người  muốn hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Hoạt động động này nằm trong chuỗi sự kiện thúc đẩy lối sống khỏe mạnh và kết nối các nhóm cộng đồng được thực hiện bởi PPWG – Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân và hỗ trợ bởi Đại sứ quán Đan Mạch. 

Ung thư là một nhóm bệnh phát triển do sự sinh trưởng mất kiểm soát của các tế bào hình thành nên các khối u có khả năng xâm lấn và di căn. Khởi phát của ung thư là những tế bào có gen bị đột biến.  Tại Việt Nam hiện nay có khoảng 114,871 người mắc ung thư mới hàng năm (Theo số liệu năm 2018). Tổng số người hiện đang sống với bệnh ung thư là 300,033 người. Các loại ung thư thường gặp ở Việt Nam là ung thư gan, dạ dày, vú, đại trực tràng ..vv 

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, các tác nhân gây ung thư chính đối với người Việt Nam có thể kể đến như việc hút thuốc (gồm cả khói và không khói), thừa cân hoặc béo phì, chế độ ăn không phù hợp (ít ăn hoa quả, ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn có chứa các chất gây ung thư), ít hoạt động thể lực, uống rượu quá mức, suy giảm miễn dịch, nhiễm virus HPV, virus viêm gan B, và các bệnh nhiễm trùng liên quan đến ung thư. Bên cạnh đó, với môi trường ngày càng ô nhiễm như hiện nay, người dân có thể dễ tiếp xúc với nguồn bức xạ ion hoá, tia cực tím và khói thuốc thụ động, khói từ chất đốt. Tất cả những điều kể trên đều có khả năng gây ra ung thư đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân đô thị.  Bởi vậy, việc sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện nguy cơ gây ung thư sớm để có thể chữa trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Sàng lọc và phát hiện sớm ung thư là phương pháp nhằm phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ ở người khoẻ mạnh, không triệu chứng. Do đó với bất cứ ai cũng có thể đi sàng lọc và phát hiện sớm. Tuy nhiên đối với mỗi bệnh nhân sẽ có một phương pháp sàng lọc riêng theo hướng dẫn của bác sĩ, có thể là sàng lọc hàng loạt hoặc sàng lọc cá thể.

Với lối sống nhanh – sống vội như hiện nay, ngày càng nhiều người mắc ung thư. Tại buổi nói chuyện, người tham dự chia sẻ về trăn trở của bản thân và gia đình cũng như nỗi lo về gánh nặng chi trả khi chữa bệnh. Theo bác sĩ Tùng, ung thư không phải một bênh đồng nghĩa với cái chết. Chẩn đoán và điều trị ung thư phức tạp, cần dựa vào bằng chứng khoa học và cá thể hoá. Trên thị trường hiện có nhiều thông tin lan truyền về cách điều trị nhưng chưa được kiểm chứng và không có hiệu quả, người bệnh và gia đình cần cân nhắc và tham khảo thông tin kỹ lưỡng, không nên chỉ dựa vào lời đồn mà dùng thuốc tràn lan, dẫn tới những hậu quả không đáng có. Đặc biệt, khoảng 80% yếu tố nguy cơ gây ung thư có thể thay đổi được.

Để hạn chế và giảm thiểu ung thư, mỗi người trong chúng ta cần duy trì lối sống khoẻ mạnh. Một số gợi ý trong việc thực hành lối sống khoẻ mạnh mà bất cứ ai cũng có thể thực hiện:

  • Tăng cường vận động
  • Kiểm soát cân nặng – duy trì cân nặng phù hợp
  • Chế độ ăn nhiều rau quả, chất xơ
  • Không uống nhiều rượu, không ăn quá nhiều đường, thịt đỏ, thịt hun khói, đồ chế biến sẵn
  • Tiêm phòng HBV, HPV, điều trị H.P ..vv
  • Giảm thiểu ô nhiễm không khí, nguồn nước
  • Quản lý tốt rác thải, đặc biệt là các loại rác nguy hiểm
  • Sàng lọc và phát hiện sớm ung thư

Leave a Comment