Theo luận điểm vô cùng quan trọng trong lĩnh vực không gian công cộng đô thị về “quyền đối với thành phố” (the right to the city) của Lefebvre, thành phố là một tuyệt tác tập thể (ouvre) mà tất cả các công dân trong thành phố đều tham gia vào việc kiến tạo nên nó. Để hiểu thêm về các quyền này, Mitchell (2003) đã đặt ra các câu hỏi quan trọng: ai thực sự có quyền đối với thành phố và các không gian công cộng của nó? Quyền đó được xác định như thế nào, cả trong luật pháp và trên đường phố? Quyền đó được hợp pháp hoá hay bị bỏ qua như thế nào? Và sự giới hạn của những quyền đó đã tạo ra các dạng thức công bằng/bất công như thế nào trong thành phố?
Một trong những nguyên tắc cơ bản của quyền đối với thành phố là giá trị sử dụng phải được đề cao hơn giá trị thương mại. Thế nhưng có thể thấy rõ đô thị hoá đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ các thặng dư tư bản, đồng thời với nó là sự phá huỷ trên quy mô lớn quyền của đám đông đối với thành phố. Hàng hoá và sự tiêu dùng ồn ào ở thành phố mâu thuẫn với sự nghèo đói trên khắp hành tinh, – một “hành tinh của nhà ổ chuột” (planet of slums). Cùng với sự phát triển đô thị và tích luỹ thặng dư, quyền đối với thành phố – quyền cơ bản của công dân trong thành phố – dần rơi vào tay các nhóm tư nhân hoặc doanh nghiệp. Quyền đối với thành phố giờ đây bị giới hạn trong một nhóm nhỏ giới tinh hoa về chính trị và kinh tế, những người ở vị trí có quyền định đoạt thành phố như mong muốn của họ.
Sự phát triển mạnh mẽ theo hướng mở rộng và hiện đại hoá của Hà Nội đang đi theo hướng đề cao giá trị thương mại. Sự thống soát của diễn ngôn về phát triển và văn minh chi phối quan niệm của cả chính quyền và người dân về thế nào là một cuộc sống chất lượng cao. Những mô hình chung cư cao cấp, sự phát triển của các siêu thị, và việc tư hữu hoá các không gian công cho thấy giá trị thương mại đang trở thành một tiêu chí quan trọng của việc tái cấu trúc đô thị. “Văn minh”, “hiện đại”, “lãng phí” trở thành những công cụ diễn ngôn được sử dụng trong những ứng xử đối với các không gian công cộng đã và đang bị tư hữu hoá. Cùng với quá trình tư hữu hoá hay “xã hội hoá”, Hà Nội đang sản sinh ra nhiều các không gian thương mại – không gian được coi là “công cộng” mới với nhiều người Hà Nội. Những siêu thị như TimesCity, Royral Cilty, Lotte, Mipec…đông nghịt vào những ngày nghỉ lễ. Trong sự ngột ngạt ô nhiễm của môi trường, sự thiếu hụt không gian công cộng, “đi chơi siêu thị” đã trở thành một thực hành giải trí mới với người dân ở Hà Nội. Siêu thị đã không chỉ còn đóng chức năng cơ bản là nơi bán hàng/mua hàng, mà cũng đóng chức năng không gian công cộng để “chơi” và tụ họp.
Mặt khác, những diễn ngôn về thành phố “phát triển” gắn với tăng trưởng khiến việc gìn giữ các không gian công cộng cũ và các di sản văn hoá đang đứng trước nhiều thách thức. Ngay từ năm 2000, khi Williams Logan xuất bản cuốn sách: Hanoi- Biography of A City (University of New South Wales Press), đã chỉ ra vào thời điểm đó, các ngôi nhà cao tầng hiện đại đã bắt đầu lấn án những ngôi nhà truyền thống của Hà Nội, và việc bảo vệ các di sản truyền thống có vẻ không đạt được mấy kết quả (2000:2). Một số không gian trước đây dành cho công chúng được thay thế công năng với ưu tiên cho “phát triển”. Việc chặt cây xanh để ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, việc phá bỏ rạp Hanoi Cinematheque ở 22A Hai Bà Trưng để chuyển đổi sang công năng thương mại, di dời Trung tâm Triển lãm Giảng Võ để lấy chỗ cho các toà nhà thương mại và chung cư cao cấp, hay việc đề xuất lấy đi một phần của Cung Thiếu nhi Hà Nội, là một vài ví dụ cho thấy điều này. Ngay cả việc quy hoạch các khu phố đi bộ, những nhà quản lý cũng phải dựa trên những tính toán lợi ích kinh tế. Với số đông dân chúng, dù rằng biết rõ mô hình chung cư cao cấp thay thế cho các không gian công cộng như Triển lãm sẽ chỉ dành cho đối tượng trung lưu bậc cao, những người giàu, mà phần lớn họ – những người được hỏi – sẽ không thể vươn tới, họ vẫn cho rằng “hiện đại hoá là tất yếu rồi”. Chẳng hạn, phần đông phàn nàn là sẽ tắc đường khi Triển lãm Giảng Võ biến thành tổ hợp chung cư 10 toà, nhưng cũng khá đông cư dân sinh sống tại khu vực Giảng Võ lại mong muốn: “Cũng mong Vin xây thì mình được hưởng khá nhiều tiện ích. Nó cũng văn minh hơn”.
Có thể thấy, nếu như đối với các nhà hoạt động vì đô thị, chất lượng sống gắn với vấn đề môi trường, giá trị di sản, giá trị tinh thần, ký ức, thì đối với đa số những nhà quản lý, “chất lượng sống” cùng với diễn ngôn về sự “văn minh, “hiện đại”, đang cho thấy giá trị thương mại đang được đề cao. Tuy nhiên, một thành phố phát triển không đồng nghĩa với một thành phố đáng sống. Sự sống động của các không gian công cộng – nơi mà giá trị sử dụng của không gian được đề cao- là một trong các tiêu chí quan trọng của một “thành phố đáng sống” (livable city).
Nguồn ảnh từ tác giả: Hoàng Anh Tuấn