Không gian công cộng, dù là địa điểm di sản, hay các công viên, bãi biển, sân chơi..vv luôn gắn với ký ức và quá khứ, và là “tài sản văn hoá” (cultural property) của người dân, vì thế, dưới góc nhìn về mặt đạo đức của Quyền Tài sản Văn hoá (Cultural Property Rights), một số câu hỏi cần được đặt ra: ai sở hữu quá khứ? ai có quyền hay trách nhiệm để bảo tồn những dấu vết văn hoá của quá khứ? Cộng đồng có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn quá khứ? Theo Sarkissian và Perlgut (1986), có hai lý do mà sự tham gia của cộng đồng là cần thiết đối với các không gian công cộng: thứ nhất đó là việc đúng đắn về mặt đạo đức trong một xã hội dân chủ, nơi mà cuộc sống và môi trường của họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những quyết định liên quan đến môi sinh, và thứ hai, sự tham gia của người dân sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn trong việc bảo tồn.
Sự tham gia của người dân vào việc duy trì và kiến tạo nên không gian công cộng nơi họ sống đảm bảo cho sự bền vững về xã hội (social sustainability) – sự duy trì và bảo tồn các mối quan hệ xã hội và ý nghĩa giúp củng cố các hệ thống văn hoá. “sự bền vững xã hội liên quan đến việc duy trì và làm mạnh thêm lịch sử, các giá trị đa dạng và các mối quan hệ của người dân đương đại”.
Sự bền vững xã hội và bền vững về văn hoá gắn với việc bảo tồn không gian công cộng. Theo các nhà nhân học (Setha Low và những người khác, 2005), để duy trì được sự bền vững về xã hội, và sâu hơn nữa là sự bền vững về mặt văn hoá, cần đặc biệt chú ý đến hệ sinh thái văn hoá (cultural ecosystem) của con người. Hệ sinh thái văn hoá luôn tồn tại trong không gian và thời gian, đặc biệt là ở những nơi chốn nhất định, vì thế bảo tồn nơi chốn (place preservation) được coi là tối quan trọng cho sự bền vững xã hội và văn hoá. Sự bền vững xã hội không chỉ là ở việc hiểu sự đa dạng và hệ sinh thái văn hoá, mà còn là một chỗ đứng về đạo đức và chính trị để duy trì, củng cố và làm mạnh hơn hệ thống văn hoá xã hội. Hiểu được động năng văn hoá của một không gian/nơi chốn, có ý nghĩa trong việc duy trì những giá trị và lịch sử của những cá nhân thông qua thời gian. Quan tâm bảo vệ các không gian và những ý nghĩa đã được gán cho, của các khu dân cư, các cộng đồng, các tổ chức, các không gian công cộng…là yếu tố tiên quyết cho sự tồn tại của giá trị văn hoá. Theo nghĩa này, sự bền vững xã hội được củng cố bởi mối quan hệ mật thiết giữa lịch sử, giá trị, biểu trưng văn hoá và các hình thái sử dụng trong các bối cảnh văn hoá đa dạng.
Với những người dân Hà Nội, dù là người Hà Nội gốc, vài thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay với những người đã chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp, thì Hà Nội có những nét rất riêng, tạo nên những tình cảm gắn bó khá sâu sắc với họ. Các không gian công cộng, đặc biệt các không gian cộng đồng gắn với đời sống hàng ngày của người dân, giúp cho sự gắn kết và duy trì sự bền vững xã hội và văn hoá cho Hà Nội. Những “tài sản văn hoá” này bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc các mối quan hệ giữa những người dân sinh sống ở Hà Nội trở nên lỏng lẻo. Không gian công cộng không phải chỉ là không gian để nghỉ ngơi, thư giãn, mà là không gian để kết nối và duy trì sự bền vững xã hội và bền vững văn hoá. Thế nhưng, khi phải đối diện với việc các “tài sản văn hoá” của họ đang bị xâm chiếm, dường như người Hà Nội chọn cách hoài niệm và lưu giữ ký ức về Hà Nội, hơn là nhận thức về “quyền” của mình đối với thành phố và hành động để bảo vệ các “tài sản văn hoá” của họ.
Ảnh từ tác giả: Nguyễn Linh Giang