Quyền của người dân đối với không gian công cộng không được nhận thức thực sự rõ ràng, một phần vì sự ứng xử của người dân đối với không gian công cộng phụ thuộc rất lớn vào quan niệm của người Việt về “công” và “tư”, và mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội ở Việt Nam.
Sẽ rất khó để hiểu được không gian công cộng ở Việt nam nếu sử dụng khái niệm phân tách của phương Tây về không gian công cộng và không gian tư. Theo khái niệm phương Tây, như Lisa Drummond (2000: 2377) chỉ ra, không gian công cộng là không gian của sự tương tác xã hội và các hoạt động chính trị, còn không gian tư là không gian gắn với nhà, được tự do thoát khỏi sự kiểm soát của bên ngoài, ví dụ như của nhà nước. Việt Nam không có các không gian công và tư rạch ròi như thế.
Trong truyền thống, người Việt có sự phân biệt bên trong (riêng tư) và bên ngoài (thiên hạ) – “trong nhà ngoài ngõ” (trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường; một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp). Ý thức về không gian công khiến người dân trong làng tự đóng góp để làm đường và có đội tự quản để quản lý chăm sóc các không gian công cộng. Mỗi khi có thanh niên làng khác đến cưới con gái trong một làng, sẽ phải nộp tiền cheo cho làng cho vào quỹ, bằng tiền hoặc bằng hiện vật, để tu sửa các công trình tiện ích công cộng của làng như đường xá, đền đình chùa… Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ có tính tương đối, vì sống trong một cộng đồng thực (với nghĩa mọi người đều biết các thành viên trong cộng đồng mình), thì người ta vẫn cảm nhận được các không gian công cộng trong làng thuộc về mình. Ý niệm chỉ gìn giữ những gì là của mình, thuộc về mình khiến cho ở những bối cảnh người dân không cảm thấy sợi dây lợi ích và trách nhiệm với không gian rõ ràng, nhiều không gian công cộng cũng bị xem là “cha chung không ai khóc”. Vì thế, ra ngoài phạm vi làng xã, hoặc trong bối cảnh đô thị hoá, khi ý niệm về “cộng đồng” và những gì thuộc về cộng đồng bị mờ nhạt, khi làng trở thành ngõ, phố, thì ý thức về không gian công cộng cũng ngày càng bị mờ đi.
Theo Erik Hamm, lý thuyết “dao động xã hội” có thể giải thích mối quan hệ giữa nội và ngoại trong văn hóa và xã hội Việt Nam. Hai cực nội và ngoại thường được xem như hai bên trái ngược với nhau. Nhưng sự khác biệt giữa hai bên này đem lại một cơ hội cho những hoạt động tự chủ của con người. Con người dao động giữa hai cực nội và ngoại trong không gian và thời gian. Ý niệm phân biệt giữa nội và ngoại, trong và ngoài, thường ngoại được sử dụng để “phục vụ” nội đem lại quyền lực, đặc biệt cho những ai biết dao động giữa nội và ngoại.
Mặt khác, theo Drummond, với một hệ thống quản lý phân cấp xuống đến đơn vị xã hội nhỏ nhất là hộ gia đình, một không gian tư thực sự, độc lập khỏi nhà nước, không tồn tại ở Việt Nam. Vì thế, bà đề xuất khái niệm inside out (để chỉ các hoạt động riêng tư của người dân được mang ra làm ở nơi công cộng) và outside in (sự can thiệp từ bên ngoài của nhà nước vào không gian tư). Sandra Kürten (2008) cũng cho rằng bản thân khái niệm có tính nhị nguyên giữa “công” (public) và “tư” (private) có vấn đề, và trong bối cảnh đời sống hàng ngày ở Việt Nam, với sự can thiệp của nhà nước, rất khó để áp dụng thuần tuý khái niệm “không gian tư”. Koh (2006) khẳng định hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước và sự tồn tại của các tổ chức xã hội chính thống của nhà nước, “đã mang Đảng-Nhà nước vào đến từng gia đình”. Chính vì thế, chỉ có thể hiểu được những động năng của không gian công cộng trong mối quan hệ mật thiết với những động năng của không gian tư, như là hai nguyên tố trong một phân tử.
Không gian công cộng cũng như không gian tư ở Hà Nội, như vậy, cần được nhìn nhận trong mối quan hệ với đời sống kinh tế, đời sống xã hội và đời sống chính trị, và cách ứng xử của người dân với không gian công cộng cũng không thể tránh khỏi những động năng này. Sự ứng xử của người dân với vỉa hè là một ví dụ rõ nhất cho điều này. Chính quyền đã tiến hành rất nhiều các chiến dịch để dẹp những hoạt động buôn bán và sinh hoạt riêng tư của người dân trên vỉa hè, nhưng đều thất bại. Đó là sự thất bại trong việc ấn định không gian công cộng trong một xã hội mà sự không rạch ròi giữa ý niệm công và tư đã tạo cơ hội cho sự mưu sinh của số đông dân chúng. Ngoài những giờ chính quyền phường và đội tự quản hay xuất hiện, cuộc sống bình thường của sự chiếm lĩnh vỉa hè (tương tự là các chợ cóc), luôn được tái diễn. Với các chiến thuật vừa thách thức, vừa thương thoả và thích ứng của người dân, bất cứ đâu và bất cứ khi nào, nhiều không gian công cộng đã trở thành các không gian dân sự (civic space), như David Koh (2008) bình luận: “trong một đất nước có sự hạn chế về chính trị và kiểm soát về xã hội, không dung thứ với sự đối lập về chính trị và chủ nghĩa tự do, thể hiện ngay trong việc sử dụng không gian công cộng, thì điều đó rất quan trọng để xã hội dân sự phát triển”.
Ảnh từ tác giả: Phạm Quốc Trung