Hàng ăn vỉa hè

Dùng ngôn ngữ thiết kế để tạo “hồn” cho nơi chốn

“Xây một chung cư hay một khu đô thị, bản chất chính là xây dựng cộng đồng, kiến tạo xã hội thông qua tạo môi trường vật thể. Vì vậy việc này không phải cứ xây lên để bán đất bán nhà cho người dân là xong, mà quan trọng là đời sống cư dân sau đó, và hơn cả một nơi ở, đó phải là “nhà”, là “chốn đi về” của mỗi người” – PGS. TS. KTS. Phạm Thúy Loan chia sẻ.

Trong thiết kế đô thị, có một khái niệm mà giờ đây đã trở thành cốt lõi của lĩnh vực này: Kiến tạo nơi chốn (place-making) hay có thể nói nôm na là tạo hồn, tạo ra sức sống cho đô thị. Cái ý nghĩa giản dị của khái niệm này là làm sao để đô thị – hơn là những khối vật chất đồ sộ, nơi thì khô cứng, bất tiện, nơi thì quá xa hoa hào nhoáng – phải là những nơi thực sự đáng sống, đáng nhớ và gắn bó người dân.

Vậy điều gì làm cho một khu đô thị trở nên đáng yêu, đáng nhớ, đáng sống và do đó đáng gắn bó? Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. KTS. Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia.

PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện kiến trúc Quốc gia
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Viện phó Viện kiến trúc Quốc gia

PV: Thưa KTS Phạm Thúy Loan, theo bà, điều gì tạo nên sự khác biệt cho một dự án chung cư giữa thời “trăm hoa đua nở” như hiện nay?

KTS Phạm Thúy Loan: Trong chương trình khảo sát bất động sản vừa qua, tôi đã có điều kiện đến nhiều dự án khu đô thị, chung cư từ cao cấp đến trung cấp và nhà ở xã hội. Với riêng tôi, điều tạo nên sự khác biệt cho một dự án chung cư đó là giải pháp thiết kế. Thiết kế tốt tạo ra sự khác biệt. Thiết kế chứ không hẳn là mức đầu tư. Vì có nhiều khu nhà ở cao cấp vật liệu cầu kỳ, hào nhoáng nhưng vào trong thì vô cùng bức bí khó chịu. Ngược lại, có những khu nhà ở xã hội lại rất dễ chịu, thư thái. Vậy thế nào là một thiết kế tốt? Theo tôi, đó là giải pháp thiết kế – trong những giới hạn về không gian và nguồn lực vẫn tạo được môi trường sống thân thiện với thiên nhiên và xã hội.

Thiết kế thân thiện với thiên nhiên, đầu tiên là phải thể hiện được một thái độ sống xanh và định vị con người một cách khiêm cung, hài hoà và tương tác với môi trường; rồi mới đến một loạt các giải pháp thiết kế cụ thể. Toà nhà, căn hộ phải thông thoáng, có sự giao hoà với nắng gió, cây cối; không đóng khung con người trong các khối bê tông, khối kính. Việc thông thoáng bản chất tăng chất lượng sống nhờ tạo vi khí hậu tốt cho toà nhà và các căn hộ, đặc biệt với vùng khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Vùng nhận nắng công trình lại cần có xử lý cách nhiệt sáng tạo, tiết kiệm.

Tôi không đánh giá quá cao những chung cư được đầu tư đắt tiền, sang trọng nhưng hành lang tối, bí, hoàn toàn phải dùng chiếu sáng và điều hoà 24/24. Với các chung cư ở Việt Nam, tôi vẫn cho rằng ban công là không gian cực kỳ quan trọng về nhiều mặt: Công năng, vi khí hậu và cảm xúc, nơi cư dân có thể trồng cây, phơi quần áo, phơi đồ, lấy sáng… Mỗi căn hộ nên có tối thiểu 2 ban công, 1 ban công khô cho không gian cảnh quan và một ban công ướt cho các không gian logistic của căn hộ. Nhiều nhà chung cư theo tôi quan sát thì vì tiết kiệm giá thành mà không có ban công, khiến đời sống cư dân như bị nhốt trong những cái hộp trên cao.

Xây một chung cư hay một khu đô thị, bản chất chính là xây dựng cộng đồng, kiến tạo xã hội thông qua tạo môi trường vật thể. Vì vậy việc này không phải cứ xây lên để bán đất, bán nhà cho người dân là xong, mà quan trọng là đời sống cư dân sau đó

Thiết kế thân thiện về mặt xã hội đó là việc chú trọng đến không gian tương tác của cư dân. Chung cư hiện đại có xu hướng khu biệt mọi người trong căn hộ của mình. Nó là một nơi tập trung đông dân nhưng không như một cái làng truyền thống nơi mọi người biết nhau và phát triển “tình làng nghĩa xóm”. Cuộc sống của con người trong chung cư cứ xượt qua nhau, không kết nối được với nhau. Vì vậy xét trên khía cạnh xã hội, các chung cư hiện nay đều chưa thành công trong việc tạo ra các cộng đồng dân cư đô thị gắn bó, sống tích cực và có trách nhiệm.

Tóm tại, với ý kiến của cá nhân tôi thì một chung cư tốt đầu tiên cần có thiết kế tốt, trong sự hạn chế về điều kiện và nguồn lực vẫn tối ưu hoá được hai khía cạnh: Thân thiện với môi trường và vi khí hậu tốt; đồng thời thân thiện về mặt xã hội nơi cư dân có nhiều cơ hội tương tác, gắn bó với nhau thông qua các không gian công cộng đa dạng.

PV: Các kiến trúc sư thường mong muốn tạo cảm xúc trong ngôn ngữ kiến trúc của mình, phải chăng yếu tố này là các“giá trị mềm” dành cho cư dân, thưa KTS Phạm Thúy Loan?

KTS Phạm Thúy Loan: Mỗi KTS có thể có gu hay ngôn ngữ kiến trúc riêng để tạo ra một cảm xúc nhất định cho công trình kiến trúc mà mình thiết kế. Có người chinh phục khách hàng bằng hình thức công trình ấn tượng, có người chinh phục bằng vật liệu đắt tiền, có người chinh phục bằng ưu việt của mặt bằng và các giải pháp trang trí, hoặc bằng nhiều cách khác nữa…

Cá nhân tôi thì chú trọng nhiều đến phần cốt lõi của kiến trúc, vai trò của kiến trúc (phần cứng) trong việc nuôi dưỡng phần tinh thần, phần hồn; có lẽ cũng chính là phần “giá trị mềm” mà bạn nhắc đến. Xu hướng thiết kế đương đại quan tâm nhiều đến cảm xúc cho người sử dụng.

Đó là buổi sáng thức dậy, thấy các cụ già đi tập thể dục, trò chuyện rôm rả. Đó là mỗi chiều đến, trẻ nhỏ tíu tít chơi đùa trên những bãi cỏ, người lớn chia sẻ chuyện gia đình, công việc, cuộc sống trên những hàng ghế ở vỉa hè rộng cả chục mét vuông… Các nhà thiết kế nên tạo ra không gian cộng đồng để mỗi con người đến đó, truyền được cảm xúc, gắn kết được tâm hồn họ ở đó.

PV: Vậy KTS có thể chia sẻ thêm không gian cộng đồng có vai trò trong việc kiến tạo đời sống xã hội đô thị như thế nào? Và làm thế nào để thúc đẩy được điều đó?

KTS Phạm Thúy Loan: Nhìn chung hiện nay, các chủ đầu tư cũng đã chú trọng đến việc cung cấp các không gian cộng đồng như một phần quan trọng trong gói sản phẩm bất động sản của mình. Theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết chung cư có sảnh tầng rộng rãi, sân chơi, vườn hoa, thậm chí bể bơi, trường học, nhà trẻ, thư viện …

Ở các chung cư bình dân, các khu nhà ở xã hội, yếu tố này cũng không hề tệ. Không gian cộng đồng giúp con người kết nối với nhau nhiều hơn, thư giãn hơn, hạnh phúc hơn. Và không thể phủ nhận được ý nghĩa của việc này đối với sự hài lòng, thoả mãn của cư dân, khiến họ tự hào gắn bó với chung cư của mình.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì những không gian cộng đồng ở cấp độ nhỏ hơn, trực tiếp hơn thì hầu như là không có. Sảnh tầng và hành lang thường chật, dài, nhiều khi là tối và bí, hoàn toàn lệ thuộc vào chiếu sáng, điều hoà nhân tạo, và không hề là không gian mà mọi người muốn nán lại dù chỉ đôi phút. Nhưng không gian cho nhóm chục căn hộ tương tác cũng vô cùng quan trọng: Nó cần thoáng, sáng, có chỗ để trẻ con trong cùng một tầng nhà chạy chơi với nhau, người lớn vừa cơm nước vừa có thể để mắt đến con. Đặc biệt, khi trẻ con chơi với nhau thì tự nhiên những người lớn sẽ trở nên thân nhau, tình láng giềng cũng nảy sinh từ đó.

Xây một chung cư hay một khu đô thị, bản chất chính là xây dựng cộng đồng, kiến tạo xã hội thông qua tạo môi trường vật thể. Vì vậy việc này không phải cứ xây lên để bán đất, bán nhà cho người dân là xong, mà quan trọng là đời sống cư dân sau đó: Sự an toàn, điều kiện tiện nghi, vệ sinh của họ, đời sống thể chất, tinh thần của từng cư dân và của cả cộng đồng, làm sao mà người dân gắn bó với nhau, gắn bó với nơi mình sống; và hơn cả một nơi ở, đó phải là “nhà”, là “chốn đi về” của mỗi người.

PV: Vậy phải làm thế nào để một đô thị mới, vốn là những khối nhà khô cứng và vô cảm trở thành một nơi sống động, đáng yêu và có linh hồn?

KTS Phạm Thúy Loan: Thứ nhất là việc chú ý tạo ra nhiều không gian công cộng cho đa dạng các đối tượng cư dân từ người già đến trẻ nhỏ; và nó cần đươc phân bố từ sảnh chính, sân chung toàn toà nhà cho đến sảnh tầng hay hành lang nơi kết nối từng nhóm căn hộ. Không gian công cộng cũng cần có đủ từ những không gian hội họp, mua bán, gặp gỡ thư giãn cho đến cả những không gian tâm linh để ràng buộc con người với “hồn nơi chốn”. Nên chăng mỗi chung cư cũng cần có một không gian tâm linh trang trọng để cư dân có thể thắp hương, cầu khẩn và gửi gắm hy vọng của mình lên với Trời Đất?

Thứ hai là tư duy thiết kế “có sự tham gia”. Chủ đầu tư và KTS có thể “lùi lại” một chút và tạo cơ hội cho người sử dụng tham gia kiến tạo môi trường sống của mình. Họ sẽ thích thú, sáng tạo, trưởng thành và gắn bó hơn thông qua quá trình “tham gia kiến tạo đó”. Tôi sẽ giải thích cụ thể hơn 1 chút. Các thiết kế chung cư hiện nay mặc dù đã cung cấp thêm các tiện ích công cộng như bể bơi, phòng tập gym, sảnh chờ, bồn hoa cây xanh, nhìn rất tiện nghi và hấp dẫn, và phải thừa nhận là sự tiến bộ vượt bậc về tư duy thiết kế so với trước đây; nhưng tôi nhận thấy các không gian này là các không gian đã hoàn thiện 100% và không có bất cứ cơ hội nào cho cư dân tham gia kiến tạo ngoài việc sử dụng một cách thụ động.

Cách thiết kế chung cư sang trọng như khách sạn khiến cư dân trở nên cực kỳ lười biếng. Một cách làm khác đi, nên chăng thay vì toàn những bồn hoa cây cảnh chăm sóc tốn kém, chúng ta cung cấp những vườn cộng đồng để người dân có nhu cầu sẽ cùng nhau trồng rau trồng hoa, trồng rau trên những diện tích đăng ký thuê. Nên chăng có những thư viện do chính cộng đồng dân cư góp sách và đồ dùng? Trẻ em lớn lên trong các chung cư không chỉ cần nhìn ngắm bồn hoa được cắt tỉa đẹp mắt mà còn cần có nơi để chúng tự trồng cây, học cách trồng cây, những bức tường chuyên để trẻ em vẽ nghịch, kích thích sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, mang lại cơ hội được lớn lên một cách chủ động và toàn diện cho chúng.

Cuộc sống hiện đại với nhiều công nghệ mới là cả một thách thức cho các vấn đề xã hội, khi mà những tương tác trực tiếp giữa người với người ngày một ít đi, thay thế bằng các tương tác ảo qua internet và mạng xã hội ngày một áp đảo. Ở cùng một khu chung cư, thậm chí trong cùng một tầng nhưng cuộc sống của những người láng giềng trong cái hộp trên cao chỉ là lướt qua nhau khi giáp mặt trong thang máy hay hành lang. Nên việc thiết kế thân thiện về mặt xã hội sẽ là một thách thức lớn cho các KTS và nhà quy hoạch.

Chủ đầu tư cũng có vai trò quan trọng không kém. Nhà phát triển bất động sản có vai trò cốt lõi là tạo ra môi trường sống và làm việc cho xã hội và con người là đối tượng trọng tâm. Nói như vậy để thấy, vấn đề cốt lõi của một dự án bất động sản vẫn là con người. Tôi cho rằng, một dự án bất động sản dù đã bán hết và mang lại hiệu quả tài chính cho chủ đầu tư vẫn có thể là gánh nặng xã hội nếu nó không phải là một nơi sống tốt: khối vật chất kém chất lượng đó có thể sẽ không thể bán lại được hoặc là gánh nặng cho người cư trú. Nên tôi rất trân trọng và đánh giá cao những nhà phát triển bất động sản ý thức được sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình: cao hơn việc xây và bán nhà – đó là kiến tạo môi trường sống tốt cho xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo reatimes.vn

Leave a Comment