Quyền đối với thành phố

Quyền đối với thành phố

Một trong những luận điểm quan trọng trong lĩnh vực không gian công cộng là của nhà lý thuyết xã hội Marxist, Henri Lefebvre, đó là “quyền đối với thành phố” (the right to the city). Quan điểm quan trọng nhất của Lefebvre là: thành phố là một sản phẩm/tuyệt tác tập thể (ouvre) mà tất cả các công dân trong thành phố đều tham gia vào việc tạo nên nó. Theo Lefebvre, trái với nông thôn, thành phố bản thân nó đã mang tính công cộng (public), và các không gian luôn có sự trao đổi và tương tác xã hội của những người lạ. Thành phố là không gian của sự tồn tại những khác biệt. Tính công cộng của thành phố đòi hỏi tính không đồng nhất (heterogeneity) và không gian để thu hút người di cư đến thành phố. Để sự đối diện với sự khác biệt có thể thành công, thì quyền được sinh sống ở thành phố, bởi những người khác nhau và những nhóm khác nhau là vấn đề then chốt, nhưng cũng lại luôn là vấn đề gây mâu thuẫn. Những người khác nhau phải tranh đấu để định dạng thành phố, liên quan đến quyền tiếp cận các lĩnh vưc công cộng, và cả quyền có tư cách công dân. Và trong những sự tranh đấu này, thì việc thành phố như một tuyệt tác chung, một sản phẩm tập thể mà không phải một dự án riêng nào, trở thành vấn đề quan trọng.[1]

Bên cạnh ý tưởng về thành phố như một tuyệt tác tập thể (“oeuvre”: collective artwork), Lefebvre còn nhấn mạnh đến tính chiếm hữu trong một thành phố: tất cả mọi người đều có quyền tối thượng, đó là sử dụng bất cứ không gian nào trong thành phố cho đời sống hàng ngày của họ. Ông cho rằng giá trị sửdụng cao hơn giá trịkinh tế, vì thế việc chiếm hữu không gian còn quan trọng hơn cả việc sở hữu thực sự không gian. Trong cuốn sách Right to the City (nguyên bản: Le Droit à la ville, được viết năm 1968)Lefebvre đã chỉ ra tác động tiêu cực của chủ nghĩa tư bản lên thành phố, khi sự tương tác xã hội thực ngày càng biến mất, và đời sống đô thị chỉ còn là đời sống tiêu dùng và hàng hoá. Lefebvre kêu gọi hành động đề biến thành phố thành một không gian đồng-sáng tạo, nơi người dân có thể có quyền đối với thành phố nơi họ sống, hành động để thành phố của họ thoát khỏi tác động mạnh mẽ mà chủ nghĩa hàng hoá và chủ nghĩa tư bản đang thao túng các đô thị, tạo nên sự bất bình đẳng về không gian trên toàn cầu. Ông viết: hãy “cứu những công dân, những người giữ vai chính và là nhân tố quan trọng nhất của một thành phố mà họ đã tạo dựng nên”, và cần biến thành phố “là nơi gặp gỡ để xây dựng đời sống chung”. Theo ông, đây là đòi hỏi cấp thiết để chuyển đổi đời sống đô thị. 

Cùng với sự phát triển nhanh của đô thị và xu hướng bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng, quan điểm của Lefebvre trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu về đời sống đô thị, cũng như của các phong trào xã hội của người dân. Khắp các đô thị trên thế giới đã diễn ra các chương trình hành động của các cộng đồng dân chúng vì môi sinh của chính họ. Rất nhiều phong trào xã hội ở đô thị được truyền cảm hứng, đã sử dụng ý tưởng về “quyền đối với thành phố”. Chẳng hạn như phong trào về nhà ở nâng cao điều kiện sống cho người nghèo Abahlali base Mjondolo ở Nam Phi, phong trào the Right to the City Alliance ở Mỹ bao gồm liên minh 45 tổ chức nhằm đáp trả việc tái định cư người dân trong dự án chỉnh trang đô thị, phong trào của các nghệ sĩ và người thuê nhà Recht auf Stadt ở Hamburg..vv. Phong trào này ở Brazil còn dẫn đến luật The City Statue được thông qua năm 2001 – một luật dựa trên HIến pháp liên bang ở Brazil, liên quan đến quyền bình đẳng trong tiếp cận ở đô thị. Nó đảm bảo rằng “chức năng xã hội” của đất và các toà nhà đô thị được đặt lên cao hơn giá trị thương mại, nói cách khác giá trị sửdụng (use value) được ưu tiên hơn giá trị trao đổi (exchange value). Thứ hai, luật này đảm bảo rằng việc quy hoạch, tiến trình và vận hành thành phố sẽ luôn có sự giám sát và tham gia của xã hội.[2]Tương tự, chương trình Charleston Principles của Seattle,Washington (Mỹ), yêu cầu bất cứ sựthay đổi nào phải bao hàm tiến trình tham vấn cộng đồng, và rộng hơn là các tổ chức công cộng, các nhóm xã hội dân sự, lãnh đạo cộng đồng, nghệ sĩ, doanh nghiệp và các tổ chức văn hoá. Nâng cao sức mạnh cho cộng đồng là một trong những tiêu chí bắt buộc của dự án công cộng. Hay dự án Taking Action ở Australia đã in ra các cuốn sổ tay để có sự tham gia của cộng đồng và các chương trình di sản. Johnston và Clarke (2001:3) chỉ ra trong dự án này, sự tham gia của cộng đồng là bắt buộc, dù là dựán tiến hành bởi nhà nước, hay được khởi xướng và tiến hành bởi cộng đồng dân cư. Sự tham gia của cộng đồng giúp cho dự án: 1) hiểu được khát vọng và giá trị của cộng đồng; 2) hiểu được nhu cầu của cộng đồng; 3) hiểu được cộng đồng và địa phương; 4) chia sẻ góc nhìn: 5) hiểu được sự khác biệt và giống nhau trong cách nhìn; và 6) đạt đến những giải pháp bởi từ việc rút ra những góc nhìn khác nhau.[3]Ngoài ra gần đây, ý tưởng “quyền số hoá đối với thành phố (Digital Rights to the city) còn được đề xuất, với hàm ý thành phố không nên được xem chỉ là những khối gạch và vôi vữa, mà là những mã số (digital code) và thông tin.[4]

Ngoài ra, chiến lược “châm cứu” để “chữa bệnh” cho đô thị (urban acupuncture) cũng có sự góp phần rất lớn từ sự tham gia của người dân. Cuốn sách Public Space Acupuncture: Strategies and Interventions for Activating City Life chỉ ra những chiến lược để điều trị cho thành phố, như những chiến lược từ bên dưới lên, sự can thiệp tạm thời, sự tham gia của người dân, can thiệp giá rẻ, các cấu trúc có thểchuyển đổi và các sự can thiệp có thể di chuyển. Không gian công cộng được coi là những điểm “châm cứu” quý giá cho một thành phố. 

Ở sau tất cả những dự án này là những quan niệm nền tảng về tư cách công dân và đi kèm với nó là các quyền công dân”:  “Khái niệm tự do của tư cách công dân (citizenship) hàm ý những cá nhân có quyền dân sự, chính trị và xã hội trong một nhà nước-dân tộc. Nhưng định nghĩa này có hạn chế ở chỗ tư cách công dân cũng phải được xem xét ở tính thành viên trong một cộng đồng thuộc một khu dân cư, một vùng hay nhà nước, và tính thành viên cá nhân thuộc về một hoặc nhiều nhóm cộng đồng. Tư cách công dân cần được hiểu bao hàm sự tham gia của cá nhân ở cả cấp độ cộng đồng, khu dân cư, vùng và nhà nước, và do đó tạo ra mô hình đa tầng, nhiều nhánh phức tạp của mối quan hệ chính trị xã hội của con người và xã hội”.[5]

Có thể thấy, luận điểm “quyền đối với thành phố” (the rights to the city) mà Lefebvre khởi xướng đã có sức lan toả mạnh mẽ như một lời kêu gọi các tổ chức xã hội, cư dân ở các thành phố cùng nhận thức lại quyền và vai trò của mình đối với môi trường thành phố mà họ đang sống. Quan điểm này cũng đã thừa nhận ở cấp độ quốc tế, như được thấy trong các chương trình của United Nations Habitat, hay trong khái niệm “thành phố cho tất cả” (“cities for all”) được ghi trong New Urban Agenda (2016), một chương trình nghị sự ra đời tại Hội nghị Liên Hiêp Quốc về Nhà ở và Phát triển Đô thị Bền vững, tổ chức vào 20/10/2016, và được Hội đồng Liên Hiệp Quốc chấp nhận vào phiên họp ngày 23/12/2016. Với nền tảng lý luận như trên, việc thúc đẩy không gian công cộng ở Hà Nội nên từ góc nhìn quan điểm của người dân và những nỗ lực của người dân trong việc bảo tồn và kiến tạo không gian công cộng ở Hà Nội.

TS. Phạm Quỳnh Phương


[1]Dẫn theo Mitchell, Don (2003), The Right to the City: Social Justice and the Fightfor Public Space. New York and London: The Guilford Press

[2]https://www.smartcitiesdive.com/ex/sustainablecitiescollective/implementing-right-city-brazil/30417/

[3]Johnston, Chris, and Annie Clarke (2001). Taking Action: Involving People in Local

Heritage Places. Canberra: Australian National University, tr.3. 

[4]  Shaw, Joe và Mark Graham, (2017). “Our Digital Rights to the City”. meatspacepress.org.Meatspace Press. 

Foth, Marcus; Brynskov, Martin; Ojala, Timo (2015). Citizen’s Right to the Digital City: Urban Interfaces, Activism and Placemaking.  Singapore: Springer

[5]Yuval-Davis 1998, dẫn theo Setha Low et all, 2005, đã dẫn, tr.13.

Leave a Comment