Ngôi nhà của tôi trên phố Bà Triệu, sau nhà là công viên Thống Nhất, có hồ Bẩy Mẫu, mặt hồ lấp loáng soi bóng trường Đại học Bách Khoa. Đầu phố là mặt nước Hồ Gươm, lung linh soi bóng Tháp Rùa… Những đứa trẻ ra đời khoảng những năm 50-60 đều chào đời từ ở nhà hộ sinh tư trong phố. Khu phố có bà y tá tiêm chủng cho tất cả trẻ con, còn nhà trẻ và lớp học vỡ lòng là nơi duy nhất tất cả học sinh khu phố. Từ đầu thế kỷ 20, Tòa Thị chính Hà Nội đã quy định: Nhà thuốc, phòng khám và trường học phân bổ đều khắp các khu phố. Trước khi rời Hà Nội đi sơ tán về vùng nông thôn (1965), tôi còn nhìn thấy bà đỡ đi qua nhà tôi, trò chuyện với mẹ tôi như những người hàng phố, hàng ngày…
Ngôi nhà 3 tầng cao nhất đoạn phố, chung quanh chỉ toàn nhà 1-2 tầng. Mỗi dịp bắn pháo hoa, lũ trẻ leo nên sân thượng là có thể nhìn thấy bầu trời kỳ ảo cả hai phía: Hồ Gươm và hồ Bẩy Mẫu. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, vài đứa trẻ kẹt lại Hà Nội vẫn trốn khỏi hầm trú ẩn đội mũ rơm lên gác thượng xem không chiến đỏ rực bầu trời, đôi lúc lại nghe tiếng lộp bộp mảnh đạn pháo to bằng ngón tay cái rơi xuống các mái nhà chung quanh. Sau chiến tranh, hòa bình và thống nhất, Hà Nội đổi thay chậm chạp, uể oải; những đứa trẻ vẫn học cùng nhau, chơi cùng nhau, lớn lên rồi ly tán khắp nơi, những người già già hơn và rủ nhau về cõi xa hơn… nhưng tất cả họ đều nhận ra nhau giữa khung cảnh phố phường lẫn với bóng dáng những người hàng phố.
Người lạ trên phố quen
Từ sau 1990, Hà Nội chập choạng nhập khẩu những mô hình đô thị mới từ các nước Asean. Người phố cũ bán nhà rời đi, chủ mới gộp 2-3 số nhà nhỏ bé lại để xây nhà cao tầng to hơn và cho thuê. Người đến và đi âm thầm, những ngôi nhà trong một năm cũng đổi chủ vài lần. Có chủ nhà mới mà cả chục năm nay tôi cũng không biết mặt – phố chỉ còn toàn người lạ.
Phố cũ đã vậy, phố hàng cũng vậy: Cách vài nhà cũ là một khách sạn cao tầng, sáng lòa kính chớp, bóng lộn đá ốp tường nhà, lối đi, bỏ lại những ngôi nhà cũ với cửa gỗ xếp, biển hiệu đắp vẽ cầu kỳ, kiêu hãnh một thời, nay thì khép nép khiêm nhường dựa bóng bên cạnh.
Hơn một thế kỷ qua, Hà Nội không ít lần chuyển đổi, từ kinh thành hoang phế trở thành phố Tây ngăn nắp, trang nhã lịch lãm rồi trở về với cuộc sống bình dân, đầy ắp yêu thương xen lẫn nghi kị xa lánh – Lam lũ, nghèo nghèo nhưng vẫn âm thầm sang trọng. Đôi chục năm nay, phố nhà có phần lòe loẹt, phù phiếm, bảnh bao hơn nhưng đã dần nhạt nhẽo vô tâm hơn, rất ít người sống ở trên phố bận tâm đến nguồn gốc lai lịch con phố của mình, người người lo chuyện giá cả / bán mua, những băn khoăn về văn hóa, lối sống, di sản dần trở nên xa lạ, vô vọng…
Lời dẫn đề “Ký ức phố phường” (UNESCO xuất bản 1995): “Muốn hiểu biết một đất nước, hiểu biết tâm hồn và máu thịt của nó, có cách nào tốt hơn là đi dạo trên những phố phường của nó? Từ những lối hẹp cổ xưa đến đại lộ thênh thang hiện đại, đường phố chính là tạo nên tính cách của một thành phố, nơi thì chừng mực cân đối, nơi thì đồ sộ đến choáng ngợp. Trước sức ép của công nghiệp hóa, của các làn sóng di dân khỏi nông thôn, trước sự tràn ngập của xe hơi, ở hầu hết khắp nơi trên thế giới, không gian đô thị đang buộc phải biến đổi nhanh chóng. Mạng lưới phố phường đang bị xé rách và ký ức đang phai mờ dần. Thế mà sự sống của thành phố bắt nguồn từ chính những đường phố ấy. Không có tấm mạng đã dệt bởi biết bao dấu tích của quá khứ, gương mặt của thành phố còn lại những gì? Thành phố sẽ còn là một nơi như thế nào?”
Không gian phố nhà – dấu tích lịch sử của thành phố, di sản thành phố đang lùi dần trước làn sóng “bất động sản hóa” thành phố. Những cư dân nhỏ lẻ tá túc trong các ngôi nhà cổ hay biệt thự cũ đang sẵn sàng rời đi nếu được trả giá cao. Cư dân chung cư cũ cũng đang cố thủ bằng những điều kiện đền bù phức tạp, làm nản lòng các chủ đầu tư BĐS nóng vội. Các nhà lý luận cũng đã thấm mệt bởi những lý lẽ “bảo tồn di sản” không còn mấy tác dụng trước khát khao “tăng trưởng / đột phá” được một bộ phận không nhỏ hô hào quảng bá.
Liệu có cách nào để người dân trong những ngôi nhà cũ kỹ trong phố hay trong trong các chung cư cũ nói lên ước muốn về không gian sống tương lai của mình trong thành phố hiện đại? Những cư dân có được tiếp tục sống trong căn nhà của mình khi chung quanh phố phường đang từng ngày gia tăng áp lực thương mại và nhu cầu đi lại? Họ có vai trò gì trong thành phố có lịch sử lâu đời nhưng đang trong cơn lốc phá bỏ quá khứ lâu dài để nhanh chóng bước tới tương lai không chắc chắn?
Xây phố mới trên các khu nhà cũ
Không thiếu sáng kiến tái thiết các không gian đô thị nhằm phát huy những thế mạnh của khu phố lịch sử trong tiến trình đô thị hóa mạnh mẽ, một giải pháp vừa phát triển kinh tế lại duy trì được những giá trị văn hóa lịch sử. Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2012 đãcó báo cáo “Kinh tế học của những thứ độc đáo: Nâng niu di sản văn hóa” (2012), họ ghi nhận kinh tế di sản – Heritage Economy là một thực thể và mô hình sống động, giá trị lớn lao, một ngành kinh tế đang trỗi dậy. Kinh tế di sản còn là động lực sáng tạo mô hình kinh doanh mới cho thịnh vượng kinh tế, xã hội nhân văn và sức khỏ môi trường (Fresderick Brousseau-Gauthier,Yvon Brousseau).
“Ký ức phố phường” (UNESCO xuất bản 1995): “Muốn hiểu biết một đất nước, hiểu biết tâm hồn và máu thịt của nó, có cách nào tốt hơn là đi dạo trên những phố phường của nó? Từ những lối hẹp cổ xưa đến đại lộ thênh thang hiện đại, đường phố chính là tạo nên tính cách của một thành phố, nơi thì chừng mực cân đối, nơi thì đồ sộ đến choáng ngợp.
Hà Nội nếu biết khai thác tài tình các trung tâm văn hóa – lịch sử đô thị (Civic District), sẽ làm giá trị bất động sản tăng theo mà không cần đập phá bừa bãi để thay thế vào đó các công trình kiến trúc đồ sộ mang phong cách xa lạ, vô hồn. Hà Nội có rất nhiều cơ hội triển khai các dự án loại này, nếu ưu tiên tái định cư tại chỗ cho cư dân tại chỗ, giúp tạo dựng lòng tin của những người đang ở tại các khu nhà cũ – điều mà các dự án hiện thời không làm được, dẫn tới sự bế tắc trong việc cải tạo nhà phố cũng như chung cư cũ. Khuyến khích người dân đô thị gắn bó hơn nữa với môi trường sống của họ và bảo vệ nó một cách hữu hiệu thì những khu phố sẽ trở nên sống động và có giá trị.
Năm 1995, có thể kể đến một số dự án nổi bật đã khởi động dự án tái thiết khu tập thể cao tầng A3 Giảng Võ: Dỡ bỏ ngôi nhà 5 tầng cũ nát, xây từ năm 1960 để xây mới nhà 6 tầng có diện tích rộng hơn, chất lượng tốt hơn, 100% cư dân tại chỗ nhất trí cao góp thêm kinh phí để mở rộng diện tích cũng như nâng cấp tiện nghi căn hộ của mình. Dự án thành công do có 2 lợi thế: Đất trống nên tăng diện tích sàn tầng 1, căn hộ sau cải tạo rộng hơn; vốn ngân sách hỗ trợ nên chi phí đóng góp thấp. Tuy vậy, mô hình này không khả thi do không còn “bầu sữa ngân sách” bao cấp. Ngược lại, những dự án bỏ mặc cho thị trường thỏa thuận trong bối cảnh các chuẩn mực còn mơ hồ thì cuộc giằng co vẫn không có hồi kết. Một giải pháp khác cho KTT Nguyễn Công Trứ – 2004 của Mikael Backmans và Maria Rundqvist (Thụy Điển), đề xuất cải tạo, tái bố trí các tòa nhà cao tầng với giao thông công cộng kết nối thành phố, mạng lưới đường nội bộ, bố trí khu phố thương mại và ẩm thực chung quanh khu ở, bố trí cây xanh, không gian công cộng… Phương án này lợi nhuận thấp nhưng chất lượng sống tại đây được nâng cao hơn, nếu được đem ra thảo luận với số đông cư dân tại chỗ sẽ có triển vọng hơn dự án được TP phê duyệt, tuy nhiên vẫn án binh bất động, “đắp chiếu” nhiều năm. Có thể kể thêm về khu “Zone9” đã một thời sôi động trên nền nhà máy cũ hay đề xuất của các nghệ sĩ Hà Nội về một không gian sáng tạo nghệ thuật trên nền xưởng phim truyện (số 2 Thụy Khê), hoặc các đồ án do thầy trò ngành kiến trúc quy hoạch của 6 trường Đại học tiến hành tại Workshop “Tái thiết các không gian đô thị chuyển đổi, lấy phố Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm làm đối tượng nghiên cứu.” (2017)
Cuối năm 2017, Martin Rama (chuyên gia kinh tế trưởng của WB, người rất nặng lòng với Hà Nội, tác giả cuốn sách “Hà Nội một chốn rong chơi” – Giám đốc Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) giới thiệu mô hình phát triển và bảo tồn có lợi cho cả nhà đầu tư tư nhân và cư dân gốc của khối nhà ở Hà Nội. Dự án nghiên cứu tác động vào khu phố cũ: Các biệt thự cũ và các công trình hỗn hợp khác; khu chung cư cũ: Các căn hộ bên trong được hiện đại hóa hoàn toàn nhưng bên ngoài vẫn mang dáng vẻ và những đặc trưng hấp dẫn của các khu tập thể nguyên bản với nhiều tiện ích mới được bổ sung. Ông đang có dự định gặp gỡ với các bên để tiến hành các điều tra xã hội, các nghiên cứu pháp lý và các giải pháp kỹ thuật cần thiết để nâng cấp một khu vực trọng điểm của Hà Nội, và các KTS Việt Nam sẽ là một phần trong dự án.
Hà Nội đang tiến lên phía trước với viễn cảnh “thành phố thông minh hơn đáng sống hơn”. Có nhiều tiêu chí để xác định các tiêu chuẩn mới. Nhưng điều quan trọng đầu tiên là làm thế nào để tạo dựng được niềm tin của các bên liên quan trong các các cuộc thảo luận về tương lai nhà phố. Hy vọng bằng tài năng và thiện ý của mình, các KTS sẽ chung tay với bạn bè trong nước và quốc tế tìm ra hướng đi, tạo lập những phố mới trong các khu nhà cũ Hà Nội.
KTS Trần Huy Ánh
Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 12-2017