Thực hành quyền đối với thành phố

“”Quyền đối với thành phố” không phải chỉ là sự tự do cá nhân trong việc tiếp cận các nguồn lực đô thị; nó là quyền để thay đổi chúng ta thông qua việc thay đổi thành phố. Hơn nữa, đó không phải là một quyền cá nhân, mà đó là quyền chung, bởi vì sự chuyển đổi này phụ thuộc vào sự thực hành của quyền lực tập thể để tái định dạng lại các tiến trình đô thị hoá. Tôi cho rằng sự tự do để tạo ra và tái tạo ra thành phố và chính chúng ta là một trong những quyền quý giá nhất của con người đã bị bỏ qua”. 

Đối với người dân Hà Nội, thực hành quyền đối với thành phố, trước hết, bắt đầu từ việc nhận thức lại về thành phố. Hà Nội là một “tuyệt tác tập thể”, như cách nói của Lefebvre, mà ai cũng có góp phần tạo nên tác phẩm đô thị ấy, cũng như có quyền sở hữu nó.

Thực trạng không gian công cộng hiện nay cho thấy những nghịch lý từ sau Đổi Mới cũng như từ khi Hà Nội được mở rộng năm 2008. Các không gian công cộng chính thức (công viên, quảng trường, hồ nước…) không được mở rộng thêm nhiều so với tốc độ xây dựng của thành phố, trong khi các không gian cộng đồng vốn gắn với đời sống dân sinh của các khu dân cư cũ lại bị thu hẹp đáng kể.

Từ góc độ chính sách, một nghiên cứu cho thấy mặc dù các khung pháp lý cho sự tham gia của người dân đã có nhiều tiến bộ, nhưng các hướng dẫn thực hiện lại có nhiều hạn chế về thời điểm và phạm vi tham gia. Ví dụ Văn bản pháp luật 2004 quy định người dân có 3-5 ngày góp ý văn bản cấp quận, và 5-7 ngày ở cấp thành phố là quá ngắn, không đủ để người dân tìm hiểu và góp ý kiến.  Các văn bản pháp lý quy định sự tham gia của người dân trong việc lập quy hoạch, thiết kế quy hoạch (thông tư 07/2008/TT-BXD) và giám sát  chỉ cho phép người dân có ý kiến khi “việc đã rồi”, thay vì huy động ý kiến và sự tham gia của ngừoi dân vào khâu đầu tiên khi xác định mục đích đầu tư. Các văn bản quy định việc quản lý không gian công cộng và cung cấp thông tin cho người dân cũng thiếu hụt.  Trong khi đó, một số văn bản nghị định lại quy định việc giới hạn việc tụ tập quá 5 người tại các không gian công cộng (điều 7 nghị định 38/2005ND-CP). Việc chỉ là người thụ hưởng và không có quyền tham gia hay quyết định về không gian sống của mình dẫn đến việc một mặt người dân vẫn chiếm hữu không gian công cộng cho mục đích cá nhân, mặt khác, lại thờ ơ với việc lên tiếng vì không gian sống của mình. Thực tế hiện nay cho thấy người dân rất cần các không gian công cộng để nghỉ ngơi, thư giãn và tương tác. Tuy nhiên, họ lại rất ngại ngần tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc lên tiếng với nhà nước bởi “ngại rắc rối”. Điều này rất khác với người dân ở một số nơi trên thế giới khi tự thân tiến hành một số hoạt động ở nơi công cộng nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền đối với một số vấn đề mà họ thấy chưa ổn.  Một vài kiến trúc sư và các nhà hoạt động vì đô thị cho biết, khi muốn làm gì đó với không gian công cộng, chẳng hạn như vẽ tranh bích hoạ để làm đẹp thêm một số không gian chung của dân cư, họ bị nghi ngờ “không biết có mưu đồ gì không, có nhận tiền của bên nào không, rồi công an qua lại hỏi thăm các kiểu” (nữ, kiến trúc sư). Một cán bộ tổ chức hoạt động vì đô thị cho biết: “nói thật, là làm việc với chính quyền quận ở Hà Nội khó hơn ở các thành phố khác đấy, nhiều lúc cũng nản”.

Có một số không gian công cộng mà người dân có quyền tự chủ hơn các không gian khác. Chẳng hạn, trong địa hạt của tôn giáo, sự can thiệp của nhà nước có giới hạn, thì sự tham gia của người dân được đẩy lên. Các không gian tôn giáo như đình, chùa, thường là do cộng đồng quản lý. Trong quá khứ, đình chùa thường chỉ do các ông từ quản lý. Từ khi các di tích tôn giáo được nhà nước quản lý mới xuất hiện các ban quản lý. Nhưng dù sao người dân vẫn có tiếng nói trong việc tổ chức nghi lễ, và giữ gìn di tích. Các không gian như chợ dân sinh, vỉa hè, là nơi mà quyền của người dân được đặt trong mối quan hệ liên tục thương thoả với chính quyền. Còn các không gian công cộng chính thống như quảng trường, công viên, người dân bị giới hạn trong việc thực hành sự tham gia và tụ họp.

Nhìn chung, đối với không gian công cộng dân sinh, thương thoả luôn là trạng thái chính của mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Cũng chỉ khi sự thương thoả dẫn đến đồng thuận thì việc thực hành không gian mới đạt hiệu quả. 

Như đã viết ở phần trên, vỉa hè là một không gian công cộng thể hiện rõ nhất sự thương thoả này. Như Koh đã tư liệu hoá lại,  sau khi nghị định 36/CP ban hành năm 1995 về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị được ban hành , nhận thấy việc xác định vỉa hè chỉ để cho người đi bộ là khó giải quyết trên thực tế, chính quyền đã tạo ra các chiến lược mới. Để thực hiện nghị định 36/CP, một trong những phương thức ứng xử của chính quyền phường với việc không thể kiểm soát vỉa hè là tạo ra mô hình tự quản, giao cho các hộ gia đình quản lý ngay phần vỉa hè trước nhà. Ngoài tự quản theo hộ gia đình cá thể, còn có mô hình “nhóm liên gia tự quản” khoảng 7 đến 10 hộ gia đình. Họ dựa trên nghị định chung, lại tạo ra các quy định riêng với nhau, vừa để giúp đỡ, vừa để giám sát lẫn nhau trong việc sử dụng các vỉa hè và các vấn đề nảy sinh. Chính vì có sự tham gia của người dân, sự tự nguyện của những người dân có quyền lợi và trách nhiệm trong đó, mà nghị định 36/CP được đánh giá là hiệu quả nhất từ trước đến lúc đó.   Tuy nhiên, những áp lực của đời sống kinh tế thị trường, nhu cầu mưu sinh trên không gian vốn công/tư không rõ ràng, khiến cho vấn đề dẹp vỉa hè lại tiếp tục rơi vào bế tắc. Sau 2 tháng rất thành công, cuối cùng nghị định 36/CP lại không còn hiệu quả, khi người dân bắt đầu cảm thấy sự bất tiện; họ phải tìm chỗ đỗ xe để giải phóng vỉa hè, họ cũng không thể làm các việc tư (rửa xe, giặt quần áo..) ở vỉa hè, hay sắp đặt chỗ bán hàng trong một số giờ nhất định. Và cho đến hiện nay, vỉa hè vẫn là vấn đề “nóng”, khó giải quyết.

Không gian công cộng luôn được gán nghĩa, chúng không mang nghĩa giống nhau đối với những người và những nhóm người khác nhau, nhưng một nhận thức chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của người dân và chính quyền đối với thành phố là cần thiết. Nếu như thành phố được coi là tài sản chung và người dân có quyền sở hữu và kiến tạo nó, cũng như có nghĩa vụ và trách nhiệm với nó, thì sự tham gia và lên tiếng của người dân phải trở thành một thực hành bình thường. Theo Goheen (1998:479), các giá trị của không gian công cộng chính là những giá trị mà các công dân gán cho nó: “Các công dân tạo nên các không gian công có ý nghĩa bằng cách thể hiện thái độ của họ, khẳng định nhu cầu và sử dụng nó cho mục đích của chính họ”.

Việc người dân tự thân và tự phát hành động vì môi trường đô thị diễn ra phổ biến trên toàn cầu. Theo nhà nghiên cứu Daniel Label trong một buổi trình bày tại Hà Nội, người dân ở nhiều nơi trên thế giới tự thân hành động với các sáng kiến khác nhau cho môi trường đô thị không hẳn vì họ tin rằng hành động của họ giải quyết được vấn đề, mà vì họ muốn thu hút sự quan tâm của chính quyền đối với một vấn đề nào đó. Trong khi đó, ở Hà Nội, người dân thường ngại “rắc rối” với chính quyền. Vì thế, những sáng kiến thường xuất phát từ các kiến trúc sư, những chuyên gia đô thị, và rất nhiều các tổ chức làm về sức khỏe và môi trường đô thị, mặc dù các hoạt động của họ thường phải kết hợp với các cộng đồng dân cư ở Hà Nội. Chia sẻ của các nhóm làm việc với người dân (nhóm ABC, Thinks Playground, ACCD) cho thấy, với các cộng đồng cư dân ổn định, có những ký ức chung cùng nhau, có sự gắn kết, cùng lớn lên, hay già đi cùng nhau (như nhóm cư dân khu Pháo Đài Láng của nhóm vẽ tranh cộng đồng ABC, cộng đồng ở Mai Động (của nhóm làm sân chơi Think Playground), hay cư dân làng Ngọc Hà (của nhóm trồng rau sạch ACCD) thường sẽ dễ dàng đồng thuận và tích cực tham gia vì không gian cộng đồng của họ. Cũng có những không gian công cộng được người dân quan tâm sau khi có các hoạt động diễn ra ở đó, như hoạt động của câu lạc bộ nhảy, hoạt động cùng làm vườn, làm vườn hoa của khu dân cư… đã khiến cho cộng đồng trở nên gắn kết với nhau hơn, và dần dần có ý thức hơn trong việc lên tiếng và cùng bảo vệ, xây dựng không gian cộng đồng của mình

Nguồn ảnh: Think Playgrounds – Nghĩ về Sân Chơi trong phố

Leave a Comment