Từ nhà máy cũ đến không gian sáng tạo – kinh nghiệm quốc tế và hướng đi cho Hà Nội

Đây là chủ đề của buổi tọa đàm được Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức sáng 15/10 tại Hà Nội.

Ông Lê Quang Bình - Trưởng nhóm PPWG phát biểu khai mạc tọa đàm

Tọa đàm thu hút sự tham dự của gần 100 đại biểu, là những chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý, kiến trúc sư, đại diện các doanh  nghiệp, phóng viên báo chí, sinh viên và người dân mong muốn mở rộng không gian công cộng tại Hà Nội.

Tọa đàm thu hút nhiều người tham gia

Tại cuộc tọa đàm, PGS. TS. KTS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cung cấp thông tin và làm rõ về di sản công nghiệp và thực tiễn biến nhà máy cũ thành không gian công cộng, không gian sáng tạo tại nhiều các quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo bà Phạm Thúy Loan, Di sản công nghiệp là những gì còn lại của ‘văn hóa công nghiệp’, bao gồm các tòa nhà, máy móc, xưởng, nhà máy, mỏ, địa điểm chế biến, kho và cửa hàng, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, và cả như những địa điểm dùng cho các hoạt động xã hội liên quan đến ngành công nghiệp như nhà ở, nơi thờ phụng, thực hành nghi lễ tôn giáo, cơ sở đào tạo … cho công nhân – lực lượng lao động trong các cơ sở công nghiệp đó. Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hoá nói chung, phản ánh một sự tiến bộ vượt bậc (mang tính cách mạng) trong lịch sử văn minh nhân loại, một sự “thông thái” được kế thừa; một tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

PGS. TS. KTS. Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng

KTS Trương Ngọc Lân, Phó trưởng Khoa kiến trúc và quy hoạch, Đại học xây dựng chia sẻ kết quả khảo sát các nhà máy ở Hà Nội dưới góc nhìn di sản. Theo kết quả khảo sát, nhiều nhà máy ở Hà Nội có giá trị di sản vì nó đại diện cho một thời kỳ lịch sử của thành phố. Một số nhà máy đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp ở Hà Nội, đồng thời là những công trình kiến trúc hiện đại nhất và đẹp nhất ở Hà Nội và Miền Bắc. Có thể kể đến một số nhà máy như: Nhà máy Bia Hà Nội (ra đời năm 1890); Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (1957); Nhà máy Kỹ thuật Điện thông (1959)…

TS. KTS Trương Ngọc Lân, Phó trưởng Khoa kiến trúc và quy hoạch, Đại học xây dựng

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Quản lý nghệ thuật của Heritage Space đã đưa ra những bài học của thế giới về việc chuyển đổi nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo, trong đó có một số công trình nổi tiếng như: Căn cứ không quân Taiwan Contemporary Culture Lab tại Đài Loan được vận hành từ 1949, đến năm 2018 đã được chuyển đổi thành Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật đương đại; Bến tàu cảng công nghiệp Nagasaki Shipyard Museum tai Nhật Bản được vận hành từ năm 1898, đến năm 1985 đã được chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Công nghiệp; Mỏ than công nghiệp Zeche Zollverein tại Đức với diện tích 100 hecta, được vận hành từ năm 1851 và đến năm 1986 được chuyển thành Công viên Văn hóa đa năng…. Kinh nghiệm chuyển đổi nhà máy tại các quốc gia cho thấy nhiều lợi ích như: giải phóng/ tái tận dụng đất bỏ hoang, từ đó giải quyết vấn đề môi trường và tệ nạn xã hội; tạo không gian công cộng và thụ hưởng văn hóa đô thị cho người dân, đồng thời là điểm tựa -bệ đỡ cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, đồng thời kích thích du lịch, tạo danh tiếng mới cho đô thị.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Quản lý nghệ thuật của Heritage Space

Đặc biệt, tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến sâu sắc trong phần trao đổi được dẫn dắt bởi đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, người sáng lập không gian văn hóa “Ơ kìa Hà Nội” cùng các đại biểu tham gia tọa đàm như: KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích; ông Nguyễn Bảo Lâm, chuyên viên cao cấp Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng; Nghệ sĩ Giang Trang… Ý kiến của các đại biểu đều cho thấy việc chuyển đổi nhà máy cũ thành các không gian sáng tạo là khả thi, cần thiết và mang lại hiệu quả văn hóa, xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi này được diễn ra trên thực tế thì cần có sự chung tay của nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng sáng tạo và người dân. Nhiều đại biểu cũng cho rằng các kết quả nghiên cứu khoa học, công phu và các ý tưởng chuyển đổi nhà máy cần được chia sẻ rộng rãi đến cho xã hội cũng như gửi đến chính phủ và UBND thành phố Hà Nội.

Có thể nói tọa đàm “Từ nhà máy cũ đến không gian sáng tạo – kinh nghiệm quốc tế và hướng đi cho Hà Nội” là sự tiếp nối, mở ra hướng đi cụ thể, rõ ràng sau cuộc tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng” được Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức trước đó vào ngày 23/7/2020.

Mọi công dân có thể cập nhật thông tin về tiến trình tiếp theo, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến, sáng kiến về việc mở rộng không gian công cộng tại Hà Nội, cụ thể hơn là sau khi di dời các nhà máy ra khỏi nội đô tại website: https://vimothanoidangsong.vn  hoặc  fanpage www.facebook.com/vimothanoidangsong ; www.facebook.com/ppwgvietnam.

Leave a Comment